Bệnh sarcoidosis phổi (u hạt phổi) là gì? Thông tin chi tiết về bệnh sarcoidosis phổi

Sarcoidosis phổi hay u hạt phổi là một bệnh lý hiếm gặp. U hạt có thể khiến các mô phổi bị viêm và trở nên xơ hóa, từ đó làm thay đổi cấu trúc và ảnh hưởng đến hoạt động của phổi.

Vậy sarcoidosis phổi là gì? Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời? Mời bạn cùng Website Bowtie tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về bệnh sarcoidosis phổi qua link bài viết dưới đây.



I. Bệnh sarcoidosis phổi (u hạt phổi) là gì?

Sarcoidosis hay còn có tên gọi khác là u hạt, được xếp vào nhóm các bệnh hiếm gặp. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể nhưng thường xảy ra ở phổi và các hạch bạch huyết.

Theo đó, u hạt phổi là những cục u được hình thành từ các tế bào viêm khu trú trong phổi. Những cục u này thường tự lành và biến mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các mô phổi vẫn tiếp tục bị viêm và trở thành sẹo cứng, được gọi là xơ hóa phổi. Tình trạng này có thể làm thay đổi cấu trúc của phổi và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân. 

Thêm vào đó, tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng mạn tính do u hạt phổi cũng khiến đường thở bị giãn rộng, từ đó dẫn đến bệnh giãn phế quản.

II. Triệu chứng sarcoidosis phổi

Trên thực tế, nhiều người mắc sarcoidosis phổi không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, thậm chí không biết mình mắc bệnh. U hạt phổi có thể làm giảm lượng không khí tối đa mà phổi có thể lưu trữ và gây nên tình trạng xơ cứng phổi. 

Triệu chứng sarcoidosis phổi sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:

- Khó thở, thường tồi tệ hơn khi vận động

- Thường xuyên ho khan không khỏi

- Đau tức ngực

- Thở khò khè

Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng không liên quan trực tiếp đến phổi, chẳng hạn như:

- Mệt mỏi

- Sốt

- Đau rát mắt, mờ mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng

- Đổ mồ hôi đêm

- Đau xương khớp

- Phát ban da, nổi cục u trên mặt hoặc tay

- Sưng hạch bạch huyết

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

Những triệu chứng này cũng có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra. Vì vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân.  

III. Nguyên nhân gây sarcoidosis phổi

Cho tới thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh sarcoidosis phổi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, u hạt phổi có thể xảy ra do phản ứng viêm của cơ thể đối với một kháng nguyên môi trường ở những người nhạy cảm về mặt di truyền. 

Theo đó, một số bệnh nhân có các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới tác động của vi khuẩn, virus, bụi hoặc hóa chất, cơ thể kích hoạt phản ứng miễn dịch một cách “thái quá”. Lúc này, các tế bào miễn dịch bắt đầu tập hợp lại với nhau, tạo thành u hạt. 

IV. Phương pháp chẩn đoán sarcoidosis phổi

Để chẩn đoán sarcoidosis phổi, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi bệnh sử và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, đồng thời tiến hành khám sức khỏe lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm để xác định sarcoidosis phổi như:

- Chụp X-quang ngực: Phương pháp này được sử dụng để cung cấp cho bác sĩ các thông tin quan trọng về tình trạng của phổi và tim như kích thước, hình dạng, vị trí… 

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cung cấp cho bác sĩ các hình ảnh của phổi một cách rõ nét và chi tiết hơn chụp X-quang. Phương pháp này có thể được sử dụng để chẩn đoán các bệnh về phổi, theo dõi tiến triển của bệnh và đánh giá mức độ đáp ứng của bệnh nhân với phương pháp điều trị.

- Kiểm tra chức năng phổi: Thông qua các loại máy đặc biệt, bác sĩ sẽ tiến hành đo lượng không khí đi vào và ra khỏi phổi để đánh giá chức năng phổi. 

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra lượng carbon dioxide và oxy có trong máu, chức năng của gan và thận. Cùng với đó, phương pháp này cũng giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng và các bệnh lý khác trong cơ thể.  

- Nội soi phế quản: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn đèn và máy quay để đưa xuống cổ họng và vào phổi. Từ đó, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát các cấu trúc bên trong phổi. 

- Rửa phế quản – phế nang: Bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch nước muối vô trùng để đưa vào phổi qua ống nội soi, sau đó hút ra. Các tế bào của đường hô hấp dưới sẽ theo nước muối đi ra ngoài và được bác sĩ kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu viêm cũng như nhiễm trùng. Phương pháp này còn có thể giúp bác sĩ loại trừ một số nguyên nhân khác. 

- Sinh thiết phổi: Bác sĩ tiến hành lấy một mảnh mô nhỏ, tế bào hoặc chất lỏng từ phổi và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường. 

V. Phương pháp điều trị sarcoidosis phổi

Hiện nay, chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh u hạt phổi. Trong một số trường hợp, bệnh sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ quan bị ảnh hưởng. 

Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc như corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, hydroxychloroquine, chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha)… 

Bệnh nhân cũng có thể tham gia vào các chương trình phục hồi chức năng cho phổi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần sử dụng liệu pháp oxy hoặc thậm chí là ghép phổi.

Tham khảo bài viết tại: Bảo hiểm trực tuyến Bowtie

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bé ngủ nhiều sau khi ốm có sao không? Những lưu ý khi chăm sóc bé sau ốm

Nghẹt mũi, hắt hơi liên tục: Dấu hiệu viêm mũi và nhiễm trùng

Đau họng mất tiếng là bệnh gì? Nguyên nhân và cách trị nhanh khỏi